Khi về đến nhà nghỉ tôi nói với ông chủ ngày mai tôi muốn đi đèo Rohtang La (đèo tử thần). Đọc trên mạng thấy chỉ cách Manali khoảng 50 km định sẽ đi trong buổi sáng ngày về. Trên các trang blog du lịch thì đây là điểm du lịch rất nổi tiếng, đường đi rất nguy hiểm nhưng cảnh quan đẹp đến ngạt thở? rất đáng để thử. Nhưng không may là vào thời điểm đó con đường này vẫn chưa mở cửa đón khách do đường vẫn còn đóng băng rất dày, muốn đi thì đi từ giữa tháng 6 đến tháng 10 thôi, tiếc thật tôi đã muốn thử lòng can đảm của mình nhưng đã không có cơ hội ^_^, thôi thì ngắm hình từ xa, bay dù lượn trong mơ dzậy.
Vậy là kế hoạch ‘thám hiểm’ Rohtang Pass đi tong. Sáng sớm trời đã vần vũ như sắp có bão hèn chi mà đêm qua lạnh quá không ngủ được, lôi thêm một cái chăn sơ-cua trong tủ cũng vẫn thấy lạnh. Rồi máy nước nóng tự nhiên dở chứng làm tôi tưởng mình sắp chết cóng. Lúc lên phòng chị chủ để thanh toán tiền phòng thấy có máy sưởi trông ngộ ngộ, phòng nhờ vậy mà rất ấm…phải chi họ cũng trang bị một cái cho phòng khách ở thì ngủ ngon biết dường nào.
Trời như mưa phùn, sáng nay tôi phải mua vé xe về và còn tham quan một vài chỗ nữa. Tôi đi nhanh về phía bến xe để mua vé xe bus chiều về. Hôm đi tôi đã mua vé xe lửa khứ hồi nhưng bận đi bị trễ xe bus làm tôi quá hãi nên đành bỏ vé xe lửa về thôi, sẽ đi xe bus về thẳng Haridwar luôn. Nhưng không có vé đi thẳng Haridwar mà lại đi hướng Dehradun. Cũng được vì về tới Dehradun thì đi xe bus 1 tiếng cũng về tới Rishikesh.
Xe sẽ khởi hành lúc 6.30 chiều tôi sẽ có hơn nữa ngày để tung tăng. Nhưng sao trời lại mưa nhỉ? Trời mưa thật buồn mà buồn thì vô chùa thôi – tôi tự hỏi sao người ta buồn thường hay vô chùa? – riêng tôi thì chẳng buồn tí nào chỉ biết là có cộng đồng người Tây tạng sống ở đây và những ngôi chùa của họ … Trong trí tưởng tượng của tôi cảnh cờ phướng bay phất phới trên nền trời xanh biếc, núi tuyết bao quanh và tiếng chú ‘Om Mani Pedme Hung’ nghe vang trầm hùng…
ôi biết bao giờ tôi có thể đến được đấy – Tây tạng vẫn là giấc mơ.
Những ngôi chùa hay còn gọi là thiền viện của cộng đồng người Tây tạng ở đây không khó lắm để tìm, chỉ ngay phía sau khu chợ trung tâm, Thiền viện Himalayan Nyingamapa Gompa và Gadhan Thekchoking Gompa. Nơi đây là nơi lưu giữ cách sống của người Tây tạng với mái ngói sơn vàng đặc trưng của Phật giáo Tây tạng.
Khi tôi bước vào thì trời bắt đầu mưa to, ngồi trong chánh điện tôi ngắm nhìn xung quanh. Thiền viện xây khá đơn giản, giữa điện là tượng Đức Phật vươn cao, khách tham quan có thể lên gác để chiêm bái Tam bảo.
Không gian lặng lẻ chỉ có vài người dân đến chữa bệnh thì phải
Thoáng qua đầu là những gì đọc được về Tây tạng, ước gì mình đang ở Lhasa nhỉ, tay xoay pháp luân chung, thực hiện nghi thức ‘tam bộ’, ‘ngũ thể nhập địa’ trong thinh lặng của đất trời để có thể vô ưu … Tôi nghĩ không biết nếu ở đó thấy người ta đảnh lễ như vậy liệu mình có làm theo không, cứ 3 bước nằm rạp người lạy? Phải có niềm tin mãnh liệt về sự sống luân hồi đến thế nào để người Tạng có thể thực hiện bổn phận, lạy 100.000 lần trong cuộc đời họ, thật đáng nể. Phía bên ngoài quanh thiền viện có nhiều pháp luân chung bằng đồng, thôi không đi Tibet được thì quay ở đây cũng tốt. Tôi đi một vòng xoay đủ nhưng mới đầu lại không niệm ‘Om Mani Pedme Hung’ mà niệm ‘A Di Đà Phật’, nên lại đi thêm một vòng nữa với mong muốn âm thanh quay của chung cùng lời niệm chú sẽ tạo ra một ‘sức mạnh’ huyền bí cầu xin những điều tốt lành, bình an may mắn.
Rời khỏi thiền viện thứ nhất tôi đi bộ qua thiền viện thứ 2 gần đó, thiền viện Gadhan Thekchoking Gompa, khu này khá nhếch nhác
Quanh thiền viện này cũng có một dãy pháp luân chung lại quay và niệm. Phía bên ngoài thiền viện treo tấm bảng có hình đức Dalai Lama với lời cảm ơn India đã cưu mang những người Tây tạng lưu vong
Trời ảm đạm, rời khỏi thiền viện với một chút nặng trĩu trong lòng khi nghĩ về Tây tạng, cầu xin cho vùng đất thiêng sự an lạc thái bình ‘Om Mani Pedme Hung’.
Người Tạng có nghề đúc đồng tinh xảo hẳn ai cũng biết và tôi thực sự muốn mua một vài món tưởng thưởng cho mình trong chuyến đi này. Tôi đi một vòng các shop quanh khu vực thiền viện nhưng không tìm được món nào ưng ý … thôi kiếm mua khăn shawl về làm quà vì vùng Kullu nổi tiếng về khăn shawl dệt. Tôi vào chợ rất nhiều sạp bán khăn, quần áo ấm, chăn túi xách … giá không đắt lắm, khăn shawl tôi mua ở khu vực này còn đồ đồng thì mua một shop trên đường Mall Manali (trước bến xe bus). Vậy là đến một ba-lô nhưng về thêm một ba-lô nữa nhé. Chuyến đi về lần này tôi đã mua được một số món mà tôi thật sự thích.
Buổi chiều chia tay Manali trời mưa tầm tã (chắc Manali không nỡ xa tui?) xe nhà nghỉ chở ra bến xe, tôi ghé nhà hàng Trung Hoa mua thức ăn mang lên xe (rút kinh nghiệm lượt đi nhé), 6.30 xe lăn bánh – tạm biệt Manali, tôi đã phải lòng nơi này nên cuộc chia tay nhiều vương vấn, hãy luôn giữ vẻ đẹp trong veo thuần khiết thế nhé Manali, love you. Xe chạy quanh quanh qua các triền núi cao rồi khi màn đêm buông xuống chỉ thấy các ánh đèn nhấp nháy xa xa trên cao là biết xe vẫn còn vòng vòng trong núi, không còn nỗi sợ hãi về đường đi nguy hiểm (vì tối hù có thấy gì đâu) giờ chỉ có cảm giác bồng bềnh lâng lâng như mới từ tiên giới xuống, một cảm giác mãn nguyện làm tôi thiu thiu ngủ, mơ một giấc mơ thật đẹp về vùng đất có những đỉnh núi tuyết trắng, tiếng xào xạc của tùng của bách, tiếng róc rách của suối, tiếng reo của đá, tiếng chim hót líu lo trong những vườn táo trĩu quả, những cô sơn nữ 2 má ửng hồng cười bẽn lẽn và những anh chàng với nụ cười dễ mến đôi mắt xa xăm … hẳn là tôi đã cười trong giấc mơ đẹp của mình mặc kệ cho chiếc xe chật như nêm, cứ lúc la lúc lắc.
Tôi đã kể với nhiều bạn bè về India, về chuyến đi của tôi. Tôi chỉ mới đi được 2 nơi là Rishikesh và Manali trong khi India rộng lớn biết dường nào và hẳn còn nhiều điều tôi chưa thấy chưa biết. Nhưng đất nước này đã cho tôi những cảm xúc mà tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi đã đi … với sự chuẩn bị khá chu đáo nhưng đã có những lúc không kiểm soát được; tôi đã đi với nhiều âu lo nhưng càng đi lại càng phấn khích; rằng tôi vẫn an toàn trong nỗi sợ hãi tột cùng và … tôi đã lớn hơn khi mình như đang co cụm lại … thế đó India đầy sự nghịch lý và tôi đã trãi nghiệm. Giờ đây khi tôi đang viết bài này tôi vẫn nghĩ về Rishikesh, nơi có dòng sông xanh với tiếng cầu kinh rì rầm, nơi mà những yogi cứ đi lầm lũi – trầm tư mặc tưởng, nơi mà tôi đã có những kỷ niệm đẹp với các thầy, các bạn, với những người mà tôi kết quen … Tôi đang hy vọng mình sẽ có ngày quay trở lại, tạm biệt India, I miss you.
[Hết]