Ashtanga

by aysaigon

Ashtanga Yoga là gì?

Ashtanga là một trường phái rất phổ biến trên thế giới, là một hình thức tập luyện mạnh mẽ, kỷ luật nhằm tạo ra một tâm trí, cơ thể và hệ thần kinh vững vàng, khỏe mạnh. Ashtanga có nghĩa là tám chi hay tám nhánh trong tiếng Phạn. Mỗi chi (mỗi khía cạnh) là một phương pháp mà khi tập luyện người ta có thể đạt đến sự nhận thức sâu sắc và do đó có lối sống hài hòa với thiên nhiên và vũ trụ.

Asana (tư thế) là chi thứ ba. Mục đích của sự tập luyện các tư thế là để thanh lọc cơ thể , và chuẩn bị cho thiền định. Tâm trí cũng cần được làm sạch, cả về lời nói và hành vi. Các chi khác cần tập luyện là Yamas – thông qua việc rèn luyện hành vi đạo đức và các ứng xử xã hội; Niyamas – hành vi cá nhân; Pranayama – kiểm soát hơi thở;  Pratyahara – làm chủ cảm xúc; Dharana – sự tập trung; Dhyana – là sự thiền định.  Và cuối cùng khi tất cả các chi trên được rèn luyện tinh thông thì trạng thái phúc lạc của chi cuối cùng Samadhi có thể đạt được. Đó là cảnh giới tối cao của việc thực hành.

Kinh Yoga Patanjali 

Khoảng 2000 năm trước, nhà hiền triết vĩ đại người Ấn Patanjali, đã viết về Ashtanga yoga trong một bộ sách gồm 196 câu cách ngôn được gọi là Kinh Yoga. Cùng với việc nêu tám chi của Ashtanga yoga, ông còn mô tả bản chất của sự đau khổ và hướng dẫn con người hiểu được gốc rễ của ý thức và những thành quả có được thông qua việc thực hành yoga và có cách tiếp cận cân bằng với cuộc sống. Patanjali nêu ra năm phiền não của con người gọi là kleshas cần được khắc phục để đạt được sự giải thoát tuyệt đối. Đó là: sự ràng buộc; ác cảm; bản ngã; vô minh (của bản thân) và sợ hãi (đánh mất bản thân). Cũng được trích dẫn trong Kinh – sáu chất độc – arishadvargas, làm che mờ ánh sáng trong tim hoặc tâm trí. Đó là: sự ham muốn; tức giận; tham lam; ảo tưởng; kiêu ngạo và ghen ghét. Patanjali chỉ ra rằng thông qua việc tập luyện Ashtanga yoga, những hạn chế này có thể tiêu tan và sự an yên thực sự có thể đạt được.

Hệ thống tư thế Ashtanga

Asana – chi thứ ba của Ashtanga là những tư thế mạnh mẽ, đồng bộ giữa hơi thở và chuyển động (vinyasa); điểm nhìn (dristi) và các khóa năng lượng (bandhas). Mục đích của việc thực hành tư thế Ashtanga là để đạt được sự liên kết hoàn hảo của hơi thở, điểm nhìn và chuyển động (3 yếu tố này gọi là tristhana). Thông qua đó, để phát triển ‘Thiền trong chuyển động’ (moving meditation). Trong suốt quá trình luyện tập, hít và thở thật chậm bằng mũi, cho phép dòng năng lượng sống – prana được chảy thông suốt khắp cơ thể vi tế. Cùng với việc thực hành đúng tristhana, năng lượng tiềm ẩn trong các kênh năng lượng – nadis và xung quanh các luân xa (trung tâm năng lượng) có thể được khai phóng. Điều này sẽ cho phép prana chảy tự do khắp cơ thể, làm tan biến mọi ách tắc về thể chất cũng như tinh thần.

Thông qua việc thực hành thường xuyên chuỗi asana một cách chính xác, cơ thể sẽ trở nên linh hoạt, mạnh mẽ và nhẹ nhàng, độc tố được loại bỏ và máu sẽ được tinh lọc. Nhiều cơ chế cung cấp hay hấp thu chất dinh dưỡng được cải thiện. Hơi thở được kiểm soát chậm và tỉnh thức, tâm trí theo đó mà tập trung và tĩnh lặng đáng kinh ngạc, dẫn đến cảm giác bình tĩnh và an yên.

Hiện Ashtanga gồm sáu ‘series’: Primary (Yoga Chikitsa) có tác dụng giải độc, cân bằng, mở rộng và tăng cường sức mạnh thể chất; Intermediate (Nadi Sodhana) thanh lọc hệ thần kinh; Advanced A, B, CD (Sthira Bhaga Samapta) thể hiện mức độ cao của sự mạnh mẽ, linh hoạt, sự ân sủng và khiêm tốn. Khi một asana được tập thành thục có kiểm soát (với hơi thở sâu tĩnh lặng) thì asana tiếp theo sẽ được thêm vào cho đến khi hết ‘series’ và được luyện tập một cách đều đặn. Với thời gian (khi cơ thể và tâm trí được thanh lọc, phát triển mạnh mẽ và trở nên rộng mở) thì các khía cạnh khác của Ashtanga sẽ hiển hiện rõ ràng hơn cho phép người thực hành tìm thấy bản chất thực sự và kết nối với vũ trụ.

[Lược dịch từ nhiều nguồn – Các bạn có thể tìm hiểu thêm ở trang web chính thức của Viện KPJAYI.org ]

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

Leave a Comment