Rishikesh – Phần 4: Trường tôi

by aysaigon

Trường nằm dưới một con dốc, chúng tôi háo hức đi xuống, hành lý thì có xe kéo rồi không phải lo. Trời giống mưa phùn không ướt áo nhưng rất lạnh, mặt tôi tái mơ tái mét. Phải nói thật là tôi rất sợ bị nhiễm lạnh vì dễ ho lắm, nếu bị rồi thì ho dai như đỉa hàng tháng trời uống bao nhiêu thuốc cũng… ho tỉnh bơ. Vì vậy thấy thời tiết ở đây mà cứ lo ngay ngáy. Cái lạnh ở đây đúng là một thử thách đối với tôi.

Cổng chính của trường

Ngôi trường bề thế sơn màu vàng rất khang trang, mặt trước có sân cỏ và trồng nhiều hoa nhỏ xinh. Trường đón chúng tôi khá ấm áp, cô con gái nhỏ của Thầy trao cho chúng tôi những vòng hoa kết, người mẹ của Thầy thì ban phúc cho chúng tôi bằng những chấm màu lên trán và kế đến chúng tôi được mời nhâm nhi những miếng bánh dừa trắng thơm ngọt ngào. Tôi – cái đồ hảo ngọt – ăn hết một miếng rồi xin thêm miếng nữa ~.~

Charlotte tươi cười với vòng hoa kết & miếng bánh dừa (trước cổng chính)

Sau đó chúng tôi nhận phòng, tôi chung phòng với một cô người Đài loan tên Julie. Phòng nhỏ nhưng sạch sẽ, có phòng tắm toilet riêng, nước nóng (vì trời lạnh quá mà!), mỗi người một giường với chăn rất dày, drap gối đầy đủ, có kệ riêng để đựng đồ. Tất cả các phòng đều có cửa sau ra ban công nên rất thoáng riêng phòng hai đứa tôi là căn bìa nên có thêm cửa sổ nhìn ra hướng bên của trường và ban công này có giàn hoa đỏ rất đẹp (nhưng đến gần cuối khoá thì trường chặt gần hết chắc vì nó leo nặng quá sợ sập trường??? ~.~).

Căn phòng có 2 mặt tiền luôn đón ánh nắng vàng rực rỡ

làm dáng bên balcony cạnh giàn hoa đỏ

Khi không có giờ học hoặc được nghỉ giải lao, chúng tôi thường ra ban công phơi nắng vào những ngày không mưa khi trời cao trong xanh và nắng nhưng vẫn rất lạnh nhé. Còn những hôm thời tiết xấu mưa gió đùng đùng lạnh càng thêm lạnh thì nằm co ro. Rất may là trong khoảng thời gian tháng 2 thảng 3 này trời chỉ thỉnh thoảng mưa và thời tiết được cho là đẹp nhất trong năm.

Trường có 2 phòng tập yoga. Một nằm dưới tầng hầm để tập yoga, thiền và chơi nhạc. Vì phòng lát gạch nên có cảm giác rất lạnh trong những ngày giá rét ( nhưng tôi đoán phòng sẽ rất mát trong những ngày oi bức).

Phòng tập tầng trệt

Và phòng lớn hơn thì nằm ở tầng mái dành cho lớp yoga buổi sáng và các giờ học.

Phòng tập lớn ở tầng mái

Còn đây là sân thượng của trường có hướng nhìn ra 4 phía, view rất thoáng & đẹp.

Thỉnh thoảng chúng tôi có buổi học về kỹ thuật trên đây. Các bạn tôi cũng rất thích lên đây thiền vào sáng sớm, phơi nắng, đọc sách và luyện tập practicum.

Một bạn choàng khăn shawl thiền vào lúc sáng sớm cuối tuần

Khi chúng tôi đến trường phát cho mỗi người một cái khăn shawl trắng lớn và một khay đựng thức ăn có ly, chén nhỏ và muỗng inox. Khi đến giờ ăn trường đánh chuông và chúng tôi cầm khay sạch xuống phòng ăn ở tầng trệt

Kim – người bạn mà tôi rất quí mến – tình nguyện phục bữa trưa sau tốt nghiệp

Mỗi người một bàn nhỏ và ngồi xuống. Mỗi bữa có vài bạn tình nguyện vào bếp lấy thức ăn đem ra phục vụ cho từng người. Buổi sáng chúng tôi thường có trái cây như táo, quít, chuối, đu đủ hoặc sa-pô-chê; chà-là; naan; chickpeas (một loại đậu tròn tròn xào lên ăn bùi bùi) hoặc cháo yến mạch hoặc cơm rang như thế này

Điểm tâm thanh đạm – tôi thêm nho, hạt diều, hạnh nhân và nho khô

chúng tôi có thể mua ngoài đem vào cho thêm phần hoành tráng như nho, lựu, đu đủ, dưa, xoài, kiwi, các loại hạt, trái cây khô, mứt, yogurt… nhưng không được mang theo trứng nhé. Julie – người bạn chung phòng với tôi – cô ấy rất thích trứng nên mua trứng về luộc và đem vào phòng ăn đã bị trường nhắc nhở vì trứng không phải là thực phẩm Sattvic – đó loại thực phẩm mà theo yoga có lợi nhất cho những người đang tập luyện yoga. Tôi sẽ giải thích thêm về loại thực phẩm này sau nhé. Bữa trưa và chiều chúng tôi thường có cơm trắng, chapati, soup đậu, rau xào như thế này. Có thể rưới 1 chút dầu ghee (gần giống như bơ lỏng) lên thức ăn để bổ sung chất béo??? Ghee có mùi rất đặc trưng mới đầu tôi không thích nhưng sau đó quen rồi đâm ghiền.

Một bữa ăn rất healthy có chapati là cái bánh dẹt dẹt

Sau khi ai nấy đều có thức ăn và sẳn sàng thì chúng tôi bắt đầu chú một đoạn mantra ngắn được in trên tường để ai không thuộc thì nhìn và đọc theo (Thú thật là cho tới ngày học xong tôi cũng chưa thuộc). Có bữa vài người trong chúng tôi đói quá mà lớp thì cứ rào rào chuyện không đâu thế là có người xướng ngay mantra khi đó tất cả mọi người sẽ phải “đứng hình”, nhắm mắt chắp tay OM, xong Hari Om là ăn thôi, vui thật đó.

Mantra dùng để niệm trước bữa ăn

…và tôi ghi âm lại lúc chúng tôi OM với nhau

Buổi sáng và buổi chiều nhà bếp thường phục vụ trà thảo dược nóng mà chúng tôi rất thích vì trời lạnh. Trà được pha làm 2 ấm to có đường và không đường và không cần phải nói chắc ai cũng biết với tính ưa của ngọt thì tôi chọn uống gì rồi. Nói nhỏ thôi nhé trà pha nóng ơi là nóng không thể uống ngay để rồi xin thêm trong bữa ăn và ly gì mà bé teo. Thế là mấy lần sau tôi đem theo bình giữ nóng (1/2l luôn) cười tươi với bạn phục vụ để bạn í chế vào ly cho em rồi chế thêm vào bình nữa, đem về phòng nhâm nhi (đúng là tà đạo! ^_^). Thường thức ăn sau đó sẽ tua thêm 1 vòng nữa để phục vụ lần hai đảm bảo là tất cả mọi người đều ăn đủ và no. Ăn xong chúng tôi trả bàn về hàng ngay ngắn rồi đem khay ra dãy bồn rửa trước phòng ăn xếp hàng thứ tự tới lượt của mình, rửa khay xong đem về phòng cất.

Thức ăn thừa thường là vỏ trái cây hay hạt sẽ bỏ riêng một bên để trường đem đổ ở một nơi cho gia súc (bò, ngựa…) ăn và chúng tôi cũng được dặn là khi gọt vỏ trái cây để ăn trong phòng thì nhớ đem xuống đổ ngay để trường đem cho gia súc vì nếu cứ để ở thùng rác trong phòng thì sẽ có kiến, nhặng và vỏ trái cây sẽ bị huỷ hoại gia súc sẽ không ăn được. Đây là điều rất nhỏ nhưng rất nhân bản mà tôi cảm nhận được. Rác cũng vậy phân loại và bỏ riêng cái nào hữu cơ vô cơ, hạn chế sử dụng bao nilon, một ý thức rất cao của người dân Rishikesh trong việc bảo vệ môi trường sống trong lành ở đây.

Từ hành lang phòng ăn có bậc tam cấp để đi xuống khoảnh vườn sau của trường nơi có căn mái nhỏ phủ đầy hoa là nơi tổ chức lễ Agnihotra (còn gọi là Fire Puja) hàng ngày vào lúc 8:30 sáng.

Nơi thực hiện lễ Fire Puja

Đây là một nghi lễ cổ xưa được mô tả trong kinh Vệ Đà và thực hiện với những câu thần chú. Hoa rải xung quanh bệ lửa, dầu Ghee và các loại bột thảo mộc được rắc vào lửa. Ngọn lửa và sự rung động từ những câu thần chú kết hợp với mùi thơm từ thảo dược khi bị cháy sẽ tác động lên não làm tiêu tan những cảm xúc tiêu cực, chuẩn bị cho sự tiếp nhận nguồn năng lượng mới, một sự biến chuyển tâm thức, sáng suốt để nhận thức ra rằng bản chất của vật chất là không thay đổi. Yoga là một quá trình tập luyện để loại bỏ những thứ ngăn cản việc nhìn thấy chân lý rõ ràng này (Trời! không hiểu viết gì luôn) vì vậy tiến hành lễ Fire Puja này cũng là một trong nhiều bước của yoga truyền thống. Đối với tôi – một kẻ chẳng biết gì về truyền thống – chỉ cảm thấy thích thú khi tham dự là vì hơi ấm phát ra từ ngọn lửa kia làm tiêu tan cái giá lạnh và mùi tinh dầu thơm kia làm thư giãn đầu óc và những lời niệm chú ngân nga như len lỏi sâu vào tận tiềm thức đánh thức một thứ cảm xúc rất lạ, sẳn sàng cho sự dấn thân.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

Leave a Comment