[vc_row][vc_column][vc_column_text]Sau 3 năm tập với nhiều thể loại yoga khác nhau tôi bắt đầu chuyên tập Ashtanga vào giữa tháng 7, 2014 tính tới giờ được gần 2 tháng. Trước đây ở studio chúng tôi vẫn có lớp Ashtanga nhưng thú thật lúc đó tôi không hề thích bởi tập ashtanga làm tôi rất mệt nhất là sau một ngày làm việc căng thẳng. Mặc dù rất mến cô giáo nhưng tôi vẫn né giờ này. Bây giờ khi tự mình tập tôi đã suy nghĩ rất nhiều về lý do đã ‘tẩy chay’ nó còn bây giờ chính xác là ‘tôi đang nghiện’.
Cơn nghiện đến từ khi nào? Có lẽ nghiện lâu rồi nhưng không nặng nên chưa nhận ra chắc cách đây 1 năm khi tôi bắt đầu thích ‘phóng’ để vào hay thoát khỏi tư thế mà không phải là bước đến nỗi thầy bảo ‘miss thảo dạo này thích jump hen’. Nhớ lại lúc đó phóng không đúng, ngón chân rớt đâp mạnh xuống sàn tấy lên, phóng ra trước thì mạnh quá chúi nhủi còn phóng tới để ngồi xuống thì bàn chân chỏi xuống sàn làm vai đau nhói… tôi biết tập những động tác này rất dễ gây đau nhưng mọi sự khởi đầu nan mà. Mỗi khi có thời gian tôi lại xem và nghiền ngẫm những yoga clip trên youtube của nhiều giáo viên nổi tiếng mà những người thực sự làm tôi mê mẩn toàn là ashtangi thứ thiệt. Tôi bắt đầu tìm đọc tài liệu về trường phái Ashtanga và cũng bắt đầu chịu tập với lớp Ashtanga nếu có ở studio. Nhưng thực lòng mà nói tôi không thấy thoả mãn về sự luyện tập của mình, nó thiếu.
mê mẩn vẻ đẹp hình thể của các ashtangi
Cho tới chuyến đi India vào tháng 2 vừa rồi, khi học được chính xác phương pháp thở Ujjayi, khoá Bandhas và tham gia lớp Iyengar chuyên sâu để học cách ‘alignment‘ đúng cho một số tư thế mà tôi đã có sự chuyển biến nhảy vọt trong tập luyện – và tôi tin mình đã có nền tảng cơ bản để có thể tự tập Ashtanga. Có nhiều khuyến cáo bạn không nên tự tập Ashtanga mà không có giáo viên hướng dẫn bởi lẽ Ashtanga là một hình thức yoga mạnh mẽ kết hợp đồng bộ giữa chuyển động và hơi thở (gọi là vinyasa), giữa phương pháp thở Ujjayi và khoá năng lượng Bandhas. Thường những người muốn tập Ashtanga nên đến những Shala (nơi dạy Ashtanga) để tập với giáo viên ‘được uỷ quyền’ hoặc những người đã nghiên cứu thực hành Ashtanga lâu năm. Thật đáng tiếc là nơi tôi ở không có giáo viên ‘được uỷ quyền’ chính thức của viện KPJAYI và trong số các thầy mà tôi biết có những người tập Ashtanga rất giỏi nhưng không dạy hoặc dạy không đủ 6 buổi 1 tuần. Tôi chỉ còn cách tự tập và điều mà tôi có thể làm là hết sức thận trọng
Tôi trở thành thầy của bản thân mình và nhiệm vụ của thầy là không để trò bị chấn thương nhé. Tôi tuân thủ tập đủ 6 buổi 1 tuần, không tập vào Thứ Bảy, vào những ngày ‘trăng’ (30 và rằm âm lịch), những ngày đèn đỏ… Tôi bắt đầu với video của Maria Villella
Đây là bản video với chất lượng hình ảnh rất đẹp và cách thực hành ‘primary series’ của Maria là tuyệt vời, thực sự là tôi thích – cô ấy là một trong những ashtangi tôi mến mộ và là nguồn cảm hứng để tôi cố gắng mỗi ngày. Tôi sử dụng video để tập theo trình tự các thế, giữ thế theo nhịp đếm của cô ấy và chỉ cố gắng vào thế ở mức độ mà cơ thể tôi cho phép chứ không hề bắt chước theo cô ấy. Đây là điều quan trọng thầy – tôi nhé. Ví dụ đến tư thế ‘rùa ngủ’ Supta Kurmasana (sleeping turtle) – cái tư thế vắt 2 chân lên đầu như thế này
tư thế Supta Kurmasana 🐢 – sleeping turtle – con rùa ngủ gật 🤗
nếu mà ráng làm là dễ đau cơ thắt lưng (psoas muscle) và đi ẹo ẹo như chơi – đừng có dại mà thử ngay nhé. Tôi biết chắc phải lâu lắm có thể là nhiều tháng mới làm được như vậy, thôi thì 1 chân trước từ từ rồi sẽ 2 chân ^_^. Rất nhiều tư thế trong Primary Series tôi chỉ có thể thực hiện ở mức độ căn bản, tôi lắng nghe cơ thể mình khi biết chắc tôi có thể đi xa hơn tôi mới thực hiện. Điều mà tôi cần tập là thở, khoá Bandhas, tập trung điểm nhìn và cố gắng tập nguyên bài liên tục không bỏ xót tư thế nào.
Những cảm nhận đầu tiên
1. Nóng và nhiều mồ hôi quá: đã biết tập Ashtanga sẽ là quá trình tạo nội nhiệt làm ra nhiều mồ hôi giúp thanh lọc và giải độc cơ thể nhưng không ngờ lại nhiều như vậy, ngừng giữa bài để thay áo, sau buổi tập thì 2 áo vắt ra nước và một vấn đề đặt ra là phải tìm loại vải nào khử mùi tốt hơn í ^_^.
2. Các tư thế nhìn dễ nhưng không hề: có những tư thế nhìn là thấy khó rồi thì không nói làm chi nhưng có những thế đối với người đã từng tập yoga trước đây như tôi nhìn qua có vẻ ‘dễ xơi’ nhưng không đâu nhé. Yêu cầu vào đúng tư thế kết hợp với hơi thở sao cho ‘thông thoáng’ làm tôi rung lắc mồ hôi ra như tắm ví dụ như tư thế Parivritta Parshvakonasana này
tư thế Parivritta Parshvakonasana
Đây là thế mà tôi tập không biết bao nhiêu lần trong 3 năm vậy mà trong bài ashtanga nó lấy của tôi không biết bao nhiêu là sức lực và 5 nhịp thở giữ thế sao mà dàiii mà cái cô Maria này có vẻ đếm chậm hơn trong tư thế này như muốn trêu ngươi tôi trong khi có những thế tôi có thể giữ lâu thì lại đếm nhanh là sao ta?
3. Sụt cân dã man: tôi là người có thể giữ ổn định cân nặng của mình trong nhiều thập kỉ (tự hào lắm lun) mặc cho ai nói tôi tong teo (vì mún lên kí mà có được đâu) nhưng không ngờ tập ashtanga chỉ trong 2 tuần đầu tiên tôi đã sụt 3 kí không mong muốn. Ôi trời những ashtangi mà tôi ngưỡng mộ có body đẹp lắm không phải là cái que di động như tôi. Lại thêm một vấn đề đặt ra là phải tìm lại những gì đã mất, lấy lại số đo ‘chuẩn’ thôi, may mà đã không sụt thêm ký nào nữa tính tới thời điểm này ^_^.
4. Thở – cần luyện tập nhiều nhiều nữa: cái quan trọng nhất trong luyện tập là thở, không có sự ngưng ở đây. Tôi biết rõ lý do tôi vẫn còn mệt và chưa thoải mái trong bài tập là do thở vẫn còn ngắc ngứ. Phải luôn giữ hơi thở như dòng chảy liên tục từ tư thế này sang tư thế kế tiếp, và cơ thể chuyển động theo hơi thở, khi nào inhale khi nào exhale. Hồi mới bắt đầu, cứ tập trung vào cái gì đó, alignment hay jump thì tôi lại quên thở rồi bị ngộp choáng phải cà hước cà hước mấy cái. Một trãi nghiệm thở không đúng đã làm tôi choáng mệt là tư thế ‘drop back’ tư thế kế sau Urdhva Dhanurasana (wheel pose)
Maria đang thực hiện tư thế ‘Drop back’
Drop back chưa bao giờ làm tôi hết hãi nhưng cũng không thể bỏ qua nó. Chắc có bạn cũng sợ tư thế này giống tôi bởi lẽ không cẩn thận là đập đầu xuống đất như chơi. Vậy nên cứ đến đây là tôi quên thở hoặc thở lung tung vì vậy khi đứng lên đầu óc choáng váng mặt mũi tối sầm. Còn Maria thì cô ấy cứ ung dung ‘exhale drop back’, ‘inhale up’ 3 lần liên tục … xin lỗi Maria tư thế này em phải nhấn pause, không theo kịp bạn được vì em phải bần thần khá lâu mới hết choáng, sorry nhé! Sau này khi tôi đã kiểm soát được hơi thở không còn choáng nữa nhưng vẫn chưa thể làm liên tục 3 lần mà không nghỉ lấy hơi. Mới biết điều tức và kiểm soát hơi thở là quan trọng đến dường nào.
5. Sức mạnh của Bandhas – nhún một cái quá đà: không riêng gì Ashtanga mà các trường phái yoga khác nhấn mạnh đến Bandha (Internal Locks) như là một kỹ thuật tiếp thêm sinh lực cho cơ thể và các cơ quan nội tại không chỉ trong thực hành asana mà còn trong sinh hoạt thường ngày. Bandha được hiểu là khoá một phần bên trong cơ thể lại. Mula Bandha (Root Lock) thực hiện ở tầng sinh môn – thắt chặt hậu môn; Udhyana Bandha (Navel Lock) thực hiện khoá vùng rốn, mục đích của việc khoá này là ngăn cản sự rò rỉ năng lượng và hướng dòng năng lượng lên phía trên cơ thể thông qua các luân xa (chakras) và cuối cùng là bum (cao siêu quá – không hiểu ^_^). Hồi mới tập tôi ít chú ý đến kỹ thuật này bởi lẽ cứ lo nhớ thở, nhớ tư thế, nhớ điểm nhìn nhiều thứ để nhớ quá nên quên Bandhas nhưng khi áp dụng nó trong jump forward (nhảy tới), jump through (nhảy qua luôn), press to handstand thì động tác của tôi đã nhẹ hơn rất nhiều không cần cắn răng cắn lưỡi sửa bộ chi hết (có lúc nhún mạnh quá nhủi ra trước lun – mạnh dữ như uống café nestle dzậy ^_^). Thế mới biết sức mạnh của Bandhas là đáng kinh ngạc. Và theo như lời khuyên của Guruji Sri. K Pattabhi Jois chúng ta nên thực hiện Mula Bandha ‘all the time‘. Còn một Bandha thứ ba là khoá cổ họng thì vẫn còn tranh cãi trong việc thực hiện nó và tôi nhớ trong khoá đào tạo hướng dẫn viên yoga của Sở TDTT một thầy có nói rằng cách khoá cổ họng này có thể gây đột tử. Riêng cá nhân tôi vẫn chưa tìm hiểu và thực hành nó (nhỡ đột tử thiệt thì làm sao ta!) nên cũng chưa (maybe never) biết thế nào.
6. Drishti – mắc cười hoài: Drishti (eye focus) là tập trung ánh nhìn trong mỗi tư thế. Trong video của Maria cô ấy không nhắc là nhìn đâu nên lúc đầu tôi cứ nhìn thẳng. Rồi sau này biết là mỗi tư thế có điểm nhìn khác nhau nên cứ là nhìn loạn xạ. Đôi khi tôi cứ nhìn đăm đăm và tự hỏi ánh nhìn của tôi như thế nào nhỉ? có giống hai cái đèn xe hơi không và tôi lại phì cười. Ở tư thế chiến binh II nhìn ngón giữa bàn tay tôi lại xăm soi bàn tay gân guốc của mình tự hỏi tập ashtanga riết tay chân rồi sẽ như thế nào đây? Vẫn chưa tìm đọc tài liệu là ánh nhìn nên như thế nào, chằm chằm, đắm đuối, rịu ràng hay toé lửa. Nói vui vậy thôi tập trung nhìn là để có sự tập trung từ bên trong đấy ạ, cái sự hiểu ban sơ là vậy và đọc được lời khuyên khi không biết nhìn đâu thì cứ đặt ánh mắt lên sóng mũi thôi, cố gắng nhìn cho tử tế nhé, không lộn xộn nữa.
7. Sự logic của trình tự các tư thế trong chuỗi Primary Series: đây là trình tự định sẳn, người tập cứ theo đó mà tập không có ý kiến ý cò chi hết. Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh tính khoa học của nó. Người tập có thể nâng dần độ khó của một tư thế nhưng không nên bỏ xót hoặc đảo lộn trật tự trước sau. Đây là cảm nhận của tôi. Lúc đầu tôi tập theo Maria sau một thời gian khi đã học thuộc thì thôi không theo video nữa vì tôi muốn tập theo nhịp thở của chính mình. Vì vậy có lúc quên bài và xót một vài tư thế. Các bạn biết không khi bỏ xót tư thế nào đó thì cơ thể chúng ta đã không được chuẩn bị tốt cho tư thế kế tiếp và việc thực hành sẽ khó hơn. Đơn cử trong chuỗi tư thế kết thúc, nếu tôi bỏ xót hay tập hời hợt Karna Pidasana (ear-pressure-pose) thì qua tư thế Urdhva Padmasana (upward lotust) tôi sẽ không làm được, cứ rớt lên rớt xuống hoài. Hoặc nếu trong tư thế Urdhva Dhanurasana (wheel pose) lên không đủ 3 lần thì khi drop back là cứ nghe xương sống kêu răng rắc! Nếu quên bỏ xót thì nên quay trở lại chỗ quên để tập lại nhé (hừ hừ).
Tôi chỉ mới tập được 2 tháng, tập tễnh. Nhưng trong tôi luôn nhớ lời dạy của Guruji ‘Do your Practice and All Is Coming’. Tôi kiên trì và không vội vã. Tôi muốn xây một nền tảng vững chắc cho sự luyện tập của mình, tập trung hoàn thiện tư thế chứ không vội khám phá và thử các tư thế mới khi chưa sẳn sàng. Có những tư thế khó hơn tôi đã làm được trong 3 năm qua nhưng các tư thế này nằm trong các series cao hơn của Ashtanga nên tôi chưa muốn tập lại. Những ngày này tôi vẫn say mê với những Transitions IN và OUT của Asanas trong Primaries Series. Lightness thật sự là thử thách nhưng chưa bao giờ thấy chán.[/vc_column_text][/vc_column][/vc_row]
4 comments
Trân cũng tập ashtanga được 2 tháng. Hôm nay tình cờ sao lại muốn tìm hiểu về chuỗi ashtanga primary nên search google và thật là duyên số khi đọc được bài của Thảo. Trân may mắn là đang được dẫn dắt bởi một guru vô cùng tuyệt vời. Từng dòng chữ trong bài viết này Trân đọc như đang thấy được hình ảnh của chính bản thân mình, như những lúc vào thế , cách thở và cả sự hoang mang khi sụt ký nữa (Trân cũng khá gầy nhưng vẫn xuống 2kg, bị quở rất nhiều tuy nhiên thấy người nhẹ hẫng và lên thế ngon ơ ☺️). Cám ơn Thảo đã chia sẻ những trải nghiệm đáng quý này. Chúc Thảo thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục theo đuổi con đường tu tập nhé🙏🏻
Cảm ơn Trân đã ghé ngang blog. Thật vui vì bạn cũng tập và trãi nghiệm tuyệt vời với Ashtanga. Rất mong Trân luôn giữ mãi tình yêu với Ash và lan toả nó nhé. Chúc bạn luôn tưoi trẻ và hạnh phúc ❤️
Dạ em mới “truy tìm” chị thì phát hiện ra chị có dạy ở SnS. Hy vọng sẽ có dịp tập với chị🥰
Hiện lớp Mysore đang tạm Off vì virus. THảo sẽ update lịch tập khi mở lại, có duyên mình sẽ tập cùng nhau nhé ❤️