Rishikesh – Phần 6: Ngoại khoá I

Trong khoá học thỉnh thoảng chúng tôi có giờ ngoại khoá, đi tham quan vòng quanh, leo núi, tham gia lễ hội, âm nhạc bên ngoài, nghe satsang, thăm đền thờ, trường học…

Hôm vừa đến, trường phát cho chúng tôi mỗi người một cuốn handbook trong đó có sơ đồ nhỏ khu vực quanh trường ở Tapovan để chúng tôi có thể tự khám phá, đi mua đồ dùng hay ra tiệm net, điện thoại công cộng. Chiều ngày hôm sau để cho chắc, thầy Johar dắt lớp đi 1 vòng quanh các điểm

  • Từ đường chính Haridwar theo con dốc hướng mũi tên đỏ chúng tôi vào trường và từ trường có những con đường tắt (đi rất vòng vèo) dẫn đến khu vực Laxman Jhula nơi có cầu cáp Laxman Jhula và cũng là khu vực tới lui của dân yoga.
  • Ngã ba có hình hoa thị màu hồng nơi đó có cửa hàng bán trái cây, tiệm tạp hoá, thuốc men nói chung là đủ thứ cần dùng. Bến xe Rickshaw (xe Tuk tuk) cũng ở đây. Đón xe để đi đến cầu Ram Jhula nếu như không muốn đi bộ hoặc ra chợ Rishikesh (hướng >>)
  • Cũng từ ngã ba này theo mũi tên màu hồng là đường chính cho dân đi bộ đi tới khu vực cầu Laxman Jhula (thẳng đờ-rét là tới)
  • Quanh khu vực trường có note những điểm nhà trọ, quán ăn, Bác sĩ, gọi điện thoại, tiệm net, dịch vụ đổi tiền, du lịch v.v…rất rõ ràng cứ thế mà đi thôi.  Có một nhà trọ đa số người Nhật đến ở là ‘Yellow Guest House’ (điểm F) nằm phía sau trường tôi là nơi mà tôi hay đến vào cuối tuần vì món mì và món trà chanh gừng mật ong rất ngon rẻ cộng wifi miễn phí nữa. Một điểm nhỏ tôi muốn chia sẽ là hầu hết các chỗ thu hút được khách Nhật chúng ta nên tìm hiểu vì đó thường là những chỗ có dịch vụ tốt và đáng tin cậy vì ai cũng biết người Nhật là khá kỹ tính, thế nhé.

Vậy là ổn, tôi đã biết nơi cần mua ít đồ dùng trong phòng, trái cây bánh ngọt, ra tiệm net để check email và gọi điện về nhà.  Thứ bảy đầu tiên chúng tôi được đi bộ leo núi gần đó.

Cảnh quang trên đường đi không quá đẹp nhưng không khí thì rất trong lành. Tôi đi cùng với Rosani, người bạn đến từ Puerto Rico. Hôm đó Rosani không được khoẻ, đêm hôm trước cô ấy không ngủ được nên hôm nay trông sắc mặt khá mệt mỏi. Được 2/3 đường từ từ hai đứa tôi rơi xuống tốp cuối, ráng thêm một đoạn nữa thì đã không theo kịp và khi đến ngả ba đường không biết đoàn đã đi hướng nào nên hai đứa đành ngồi lại chờ đoàn xuống. Rosani kể cho tôi nghe chuyện cô ấy vừa mất đứa con đầu lòng, thật đau đớn nhưng nhờ tập thiền và yoga cô ấy đã bình tâm lại. Chính ông xã đã động viên cô ấy tham gia khoá học này để có thể vượt qua nỗi đau của sự mất mát. Rosani có vẻ đẹp phúc hậu, nét mặt thanh thản nhưng trong ánh mắt có chút gì đó xa xăm và buồn.

Ngồi nói chuyện một chút 2 đứa thong thả xuống núi, gần trưa rồi nên trời bớt lạnh, nắng lên cao. Vì đi từ từ để chờ đoàn nên rút cục mọi người xuống cũng bắt kịp chúng tôi, trở về trường vào đúng giờ cơm trưa.

Chiều chủ nhật hôm sau các thầy cô đưa cả lớp đi bộ về hướng Laxman Jhula (theo mũi tên đỏ ở trên) ra sông Hằng. Qua khỏi cầu Laxman Jhula lại đi tiếp khá xa thì đến nơi có bãi cát trắng mịn. Chúng tôi ngồi quây quần sinh hoạt với nhau,

chụp hình và ngắm dòng sông mẹ Ganga thiêng liêng. Tôi chưa thấy con sông nào mà nước có màu xanh lục đẹp như vậy. Đọc nhiều bài báo nghe nói sông đang bị ô nhiễm nặng và vẫn còn tập quán thuỷ táng của dân địa phương, có lẽ ở những khúc sông khác chứ ở đây nước rất sạch, không có một cọng rác. Ngâm chân xuống nước nghe nước mát lạnh, vốc nước lên rửa mặt chẳng thấy mùi mẫn gì.

Dòng sông với màu ngọc bích uốn quanh

Bãi cát này không có quá đông dân địa phương dù hôm đó là ngày Chủ nhật nên vẫn giữ vẻ tĩnh lặng cho dòng sông, xa hơn một chút là cầu cáp Ram Jhula, thật hài hoà. Tôi muốn chụp vài tấm hình ở đây khi hoàng hôn xuống để thấy ông mặt trời vàng rực. Julia đã cho tôi xem những tấm hình rất đẹp như vậy trong chuyến di trước đây vào tháng 10 nhưng không đợi được vì thầy đã ra hiệu cho chúng tôi đi tiếp.

Cầu cáp Ram Jhula vắt qua sông Hằng khi chớm hoàng hôn

Cả lớp đi xa hơn một chút về hướng cầu cáp rồi lên tí nữa để đến lễ Ganga Aarti ở viện Parmarth Niketan Ashram. Ganga Aarti là buổi lễ được thực hiện mỗi tối vào lúc hoàng hôn trên bờ sông Hằng của người theo đạo Hindu thể hiện sự tôn kính và biết ơn đối với sông mẹ Ganga.

Ganga is not only a river. She is truly a Divine Mother. She rushes forth from the Himalayas as the giver of life, carrying purity, bliss and liberation in Her waters. Ganga is not only water. She is nectar – the nectar of life, the nectar of liberation. She is a source of inspiration to all who lay eyes on her ceaseless, boundless, rushing current. She irrigates not only our farms, but also our hearts, minds and souls. She is the Mother Goddess – giving freely to all with no discrimination, hesitation or expectation. Her waters purify all who bathe in them, all who drink from them. In fact, She is the remover of contamination…

Lễ Ganga Aarti thu hút không chỉ những người theo đạo Hindu mà còn rất nhiều người đến từ các nền văn hoá – ngôn ngữ – tôn giáo khác nhau và mọi tầng lớp xã hội. Sức mạnh của lễ Aarti là hợp nhất, vượt ra ngoài mọi ranh giới ngôn ngữ và văn hoá, đi thẳng vào trái tim mỗi người và đem họ đến gần Đấng tối cao.

Cây đền dầu có hình đầu rắn thần Naga

Đây là lễ hội bên sông Hằng duy nhất mà tôi được tham gia trong thời gian ở đây. Nghe nói sẽ có một lễ hội rất lớn trong tháng 2 này nhưng vì lý do an toàn nên trường đã khuyên chúng tôi không nên tham dự. Khi lễ hội đã giãn thì chúng tôi ra về với một chấm màu lên trán, vòng chỉ vàng đỏ quấn ở cổ tay và một ít bỏng gạo để nhâm nhi. Không theo đường cũ vì sẽ rất xa (đi bộ sẽ mất khoảng 45 phút)  chúng tôi đi bộ băng qua cầu Ram Jhula đón xe Tuk Tuk theo đường Haridwar về trường.

Trở về phòng với nhiều cảm giác khó tả, đó là những ngày đầu tiên của chuyến đi, được ra ngoài tuy chưa nhiều nhưng được thực mục sở thị nhiều thứ mới hay chốn bình yên là đây. Phải chi đừng có sự cố gì xảy ra để tôi có thể tận hưởng sự bình yên ấy lâu lâu một chút. Đùng một cái phát hiện ra tiền đâu? thật không thể tin được. Tiền là vật bất ly thân đi đâu cũng mang theo nhưng lại chẳng nhớ đến nó, rơi rớt khi nào cũng chẳng hay. Tôi hoảng hốt. Thời gian ở lại trường cho khoá học tôi hầu như không cần đến tiền vì tất cả đã được chi trả, tiền tiêu vặt không có cũng không sao với lại tôi vẫn còn một ít rupee đổi ở sân bay nhưng còn tháng thứ hai, tiền ăn ở học phí rồi tiền xe về lại Delhi rồi chi phí ghé Bangkok …tôi đã không ngủ được đêm đó và cũng không thể nói với ai.

Những ngày tiếp theo bài vở nhiều lên, tôi cố gắng thiền mỗi ngày để có thể tĩnh tâm lại và suy nghĩ cách nào đó cho rắc rối tài chính của mình. Nếu học xong 1 tháng về ngay cũng không ổn vì cần tiền xe về Delhi rồi ở lại đó để chờ bay, phí phát sinh khi đổi vé 2 hãng bay và thật sự tôi không muốn huỷ kế hoạch ở thêm một tháng của mình.  Không thể mượn trong trường hay bạn bè vì tôi không muốn khiến họ khó xử, gia đình thì chỉ mỗi mẹ tôi, bà lại già yếu cũng không biết đến chuyện tiền nong chi, biết chỉ thêm lo lắng. Lúc đó tôi ước gì mình có anh chị em để có thể cầu cứu, không ai hết. Và tôi nghĩ đến một người, chỉ có người đó mới có thể giúp tôi và thực sự khi tôi lên tiếng tôi đã được giúp đỡ. Người đó chuyển tiền qua Western Union và tôi lại có tiền để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Không thể nói hết sự biết ơn… Chỉ một điều oái oăm là tôi đang đi tìm sự lãng quên nhưng đã không thể quên mà nhớ lại càng thêm nhớ.

Khoảng 2 tuần sau, một buổi chiều chúng tôi được đến nghe nhạc tại một Ashram gần Ram Jhula, đó là Madhuban Ashram.

Madhuban Ashram được xây dựng theo truyền thống ISKCON (The International Society for Krishna Consciousness) hướng về Đấng Krishna. Trong viện có đền thờ rất đẹp thờ thần Krishna, thần Rama. Chúng tôi nghe nhạc và nhảy múa trước điện thờ.

The Maha Mantra:
Hare Krishna Hare Krishna
Krishna Krishna Hare Hare
Hare Rama Hare Rama
Rama Rama Hare Hare

và sau đó chúng tôi được ban phúc bằng úp cái chuông lên đầu

Sau khi múa hát mệt lữ, chúng tôi đã có một bữa tối thịnh soạn ở nhà hàng trong khuôn viên đền, thức ăn rất ngon và … cay

các bạn tôi cười rất tươi nhé…

có món chiên mà tôi rất khoái…còn soup ơi là nóng và cay!

quá hoành thánh ^_^

Rosani luôn suýt xoa ‘cay quá thao oi’ còn tôi thì…quá sướng.

tráng miệng…chè gì mà ngon quá không biết!

Trước đó chúng tôi đã chụp một bức ảnh trước điện làm kỷ niệm, rất vui là nhiều bác phó nháy quá không biết nhìn hướng nào nữa
Chúng tôi đã có một buổi tối thật đã nhảy múa và ăn ngon…ước gì ngày nào cũng vậy nhỉ ~.~.

Khoảng mấy ngày trước khi kết thúc khoá học chúng tôi được tổ chức đi tham quan đền Kunjapuri Temple.

đền Kunjapuri Temple

Đền nằm trên đỉnh đồi Kunjapuri cao 1.676 m, cách Rishikesh khoảng 15 cây. Đền Kunjapuri được xem là một trong số 52 Shakti Peethas trải dài từ Nepal đến Ấn độ. Shakti Peethas là những nơi mà một phần thi thể của nữ thần Sati (tiền kiếp của nữ thần Parvati) rơi xuống khi thần Shiva ôm xác nàng qua những dãy núi Himalaya của vùng Bharat Barsha.

Theo truyền thuyết thì nữ thần Sati kết hôn với thần Shiva nhưng cha nàng – Đức vua Daksha tỏ ra không hài lòng. Ông đã tổ chức buổi lễ Yagna (lễ hiến tế cho Thần Lửa?) và cố ý không mời con gái và con rể. Khi Sati biết chuyện nàng đã rất tức giận và quyết đi dự dù không được mời. Thần Shiva đã cố sức khuyên ngăn nhưng không được. Vua Daksha đã đưa ra những lý do mà đối với Sati không là gì ngoại trừ việc sỉ nhục công khai chồng nàng. Quá tức giận nàng đã nhảy vào ngọn lửa thiêng quyên sinh. Thần Shiva trong sự đau đớn tột cùng đã phá huỷ buổi lễ và đem phần thi thể của nàng Sati vác trên vai và nhảy vũ điệu của sự huỷ diệt – vũ điệu Tandav mà kết thúc sẽ là huỷ diệt cả vũ trụ. Thần từ chối mọi nghi thức an táng.

Thần Brahma cho rằng nếu thi thể Sati không được an táng theo đúng nghi thức thì nàng sẽ không được tái sinh thành Parvati. Trong khi đó thần Vishnu thì lo ngại rằng nỗi đau của thần Shiva sẽ từ từ huỷ diệt tất cả. Họ không thể kiềm chế hay đối mặt với cơn thịnh nộ của thần Shiva vì vậy thần Vishnu đã dùng Sudarshan Chakra (binh khí hình đĩa với 108 cạnh răng cưa) để cắt thi thể ra làm nhiều mảnh. Và khi thần Shiva di chuyển thì một phần thi thể của nàng Sati đã rơi xuống và nghi thức an táng đã được các vị thần hoàn tất. Những nơi mà phần thi thể của nữ thần rơi xuống gọi là Shakti Peetha. Các đền thờ được dựng lên và được tôn thờ như những nơi linh thiêng nhất, ban phước lành cho tất cả các tín đồ và khách viếng thăm.

Để đến tham quan đền thờ này chúng tôi dậy rất sớm, 5.00 thì bắt đầu khới hành trời còn tối mịt. Xe chạy lên đường núi quanh co khoảng 45′ thì tới. Trời lạnh ơi là lạnh, chúng tôi rét run lập cập mặc dù đã mặc rất dày. Những bước tam cấp dẫn lên đền cao chót vót. Lên một đoạn có chỗ nghỉ nơi bán đồ cúng tế, họ có bán cà-phê và chai thế là chúng tôi dừng chân và kêu thức uống nóng xong leo lên tiếp. Chỗ nào có chuông là chúng tôi lần lượt kéo, tiếng chuông nghe ‘cong cong’ rất vui tai như thể báo hiệu ‘con đã đến đây’. Lên tới đỉnh thì trời mờ mờ sáng từ đây có thể ngắm nhìn những đỉnh núi cao xa xa trong dãy Himalaya hùng vĩ.

Trời lạnh như đóng băng và bắt đầu mưa lất phất … như vậy thì kế hoạch tập yoga sáng và ngắm bình minh coi như đi tong chỉ kịp chụp vài tấm hình.

Kim ơi lạnh quá!

Rồi chạy vào trong đền trú mưa

Hết mưa lại chạy ra ngoài chụp hình tiếp

Tôi rất thích tấm hình này – Bạn ấy thật dễ thương

Chúng tôi xuống đền, lúc lên thì rất mệt nhưng khi xuống thì nhẹ tênh

Lại ghé chỗ nghỉ chân và 888

Annie & Ellie cùng hát bài ‘hãy cùng uống chai nào!’ rất dễ thương

Chúng tôi về lại trường ăn sáng sau đó lại đi tiếp ra thị trấn để tham dự buổi Satsang của Mooji

Mooji là vị thầy hướng dẫn tâm linh rất nổi tiếng người Jamaica. Những buổi nói chuyện của ông ấy giúp người nghe tiếp cận những triết lý đi tìm sự thư giãn và bình an. Đáng hổ thẹn khi phải thú nhận rằng hôm đó tôi đã ngủ gật trong thính phòng với hàng trăm người ngồi nghe say sưa chắc vì dậy sớm quá và cũng vì giọng của ông quá nhẹ nhàng như thôi miên. Phòng đông như vậy mà không một tiếng ồn, những người phục vụ tình nguyện giơ bảng ‘Xin giữ yên lặng’, ‘Nơi đây còn chỗ’…và mọi người lặng lẽ theo hướng dẫn ngồi xuống, nghe hoặc ngủ như tôi trời ạ ^_^.

Related posts

SALAD MÌ TẢO BẸ

Salad Tảo Spirulina

Pancake Kiều mạch với Quít