Rishikesh – Phần 5: YTT-200

Tôi muốn chia sẽ một chút về chương trình học. Khoá học kéo dài 1 tháng với lịch học khá dày đặc

Thời khoá biểu

Chúng tôi có 4 giáo viên trực tiếp giảng dạy: Thầy Vishvketu dạy chính môn kỹ thuật và thực hành, Cô Chetana dạy môn triết, phong cách sống, đạo đức, phương pháp, yoga cho bà bầu, Thầy Johar dạy môn cơ thể học, thực hành, Cô Julia hổ trợ tổng hợp.

5:00 sáng trường rung chuông đánh thức chúng tôi. Trời còn sớm và lạnh quá! phải nướng thêm 1 chút … cả tôi và Julia đều để điện thoại báo thức lúc 5:15, tức chỉ kịp dậy toilet chớp nhoáng, mặc thêm quần áo ấm, đội mũ len, choàng cổ, quấn khăn shawl. Trong buổi sớm trời còn tối hù đó, thi thoảng chỉ có tiếng chó sủa hay tiếng xe ngựa lóc cóc xa xa ngoài đường và tiếng khoá cửa phòng lách cách trong hành lang, chúng tôi tuyệt đối không ai nói với ai câu nào, những bóng trắng lặng lẽ xuống hall ở tầng hầm để thiền. Trong chương trình học chúng tôi bắt buộc phải hành thiền vào sáng Thứ Hai và Thứ Năm từ 5:30 đến 5:55 sau đó di chuyển lên hall ở tầng trên để tập yoga vào lúc 6:00. Các ngày khác là không bắt buộc, chỉ phải tham gia tập yoga vào lúc 6:00. Nhưng tôi thấy các bạn rất siêng hầu như thiền đủ 7 ngày trong tuần và tôi cũng vậy…cũng rất hăng hái nhưng chỉ trong khoảng 10 ngày đầu. Thời gian sau đó do phải thức khuya đọc tài liệu nên tôi hầu như trốn thiền vào những ngày không bắt buộc (vì dậy không nổi ~.~), chỉ lên hall vào lúc gần 6h để tập yoga thôi.

Ở những buổi thiền chính thức, người dẫn thiền thường là Thầy Vishvketu hoặc cô Chetana, thầy có giọng nói rất ấm và vang, cô thì giọng trong và nhỏ nhẹ. Trong buổi sớm tĩnh mịch, chúng tôi dược dẫn dắt vào thiền một cách nhẹ nhàng, rồi tất cả chìm vào yên lặng (nhưng không hề có tiếng ngáy nhé), lũ khỉ và bồ câu lúc này chắc còn đang ngủ nên không làm phiền chúng tôi. Khi ở nhà tôi rất ít khi thiền vì thấy khó, đầu óc lúc nào cũng chộn rộn, ngồi im khoảng 5 phút thôi là thấy sao mà lâu thế. Vậy mà ở đây 25 phút lại qua rất nhanh vậy là ta có tiến bộ rồi nhỉ?

Lớp thiền và tập yoga sáng này không chỉ dành riêng cho chúng tôi khoá YTT-200 mà mở cho cả ngoài khoá. Phòng tập có thể chứa khoảng 60 – 65 người riêng khoá chúng tôi đã hết 34 chỗ rồi. Chúng tôi trải thảm sẳn vào tối hôm trước, khoá YTT-200 thì tập trung ở những hàng trên còn những hàng phía dưới dành cho khách tập ngắn hạn hay vãng lai.

Trước khi tập yoga chúng tôi ngồi yên một chút để thầy nói về ‘theme’ của buổi tập hôm đó. ‘Theme’ được hiểu như chủ đề thường là những mantra ngắn có ý nghĩa và sự rung động của âm thanh từ việc chú những mantra này giúp cho người tập cả về thể chất và tinh thần sẳn sàng cho buổi tập. Tôi nhớ có một buổi thầy nói về ‘Soham’ trong tiếng Phạn có nghĩa là ‘I Am That’, không hiểu do vẫn còn ‘chìm’ trong thiền hay buồn ngủ mà tôi xớn xác nghe thành I am bad (nghĩa là ‘Ta tệ thật đấy!’) haha và nghĩ sao mà có câu mantra kỳ dzị ta. Cũng may là thầy nhắc lại nên rồi tôi cũng nghe ra là ‘I Am That’. Đối với nghĩa của ba từ này tôi vẫn còn đang miên man tìm hiểu vì nó cao siêu quá nên ở đây tôi chỉ dám chia sẻ cảm nhận khi chúng tôi chú 2 từ ‘Soham’. Lúc đầu thầy nhắc chúng tôi chú mạnh hơn nữa nào, nữa nào và càng về sau nhẹ dần nhẹ dần rồi im hẳn…

Đoạn audio ghi lúc chúng tôi chú Soham

Tôi rất thích niệm chú 2 từ này và nghĩ sẽ áp dụng vào lớp yoga mà tôi sẽ hướng dẫn sau này nhưng khi về nhà thấy e khó mà thực hiện vì một lẽ ở nhà nóng quá chú so-hum một hồi chắc mọi người sẽ hâm mất thôi. Nói vui vậy thôi đôi khi có những sự việc hay với nơi này nhưng chưa chắc đã hay với chỗ khác.

Sau khi chú mantra thì chúng tôi bắt đầu khởi động. Khi thiền thì quấn rất kỹ vậy mà khi bắt đầu warm-up để tập asana thì lột hết nào nón khăn choàng áo khoác vớ…tất tần tật và chất cho một đống cao, tên này thì để đầu thảm, tên kia thì để cuối thảm, bên phải hoặc bên trái lung tung đến nỗi sau buổi tập đầu tiên đó thầy đã ca thán vui là lớp trông như một ma trận không biết đi đường nào để đến chỉnh sửa cho mọi người vì đầy chướng ngại vật. Chúng tôi sau đó phải thống nhất để phụ trang một hướng thôi nhé. Khi tập asana thì chẳng còn thấy lạnh nữa, trong đầu tôi có suy nghĩ buồn cười là…ah tập thiền thì đầu óc khoẻ khoắn minh mẫn nhưng cơ thể thì yếu ớt (vì không chịu được lạnh hihi) còn tập asana thì cơ thể cường tráng nhé, lạnh chẳng là gì! (vậy nên tôi rất tích tập asana hơn thiền là vậy ~.~). Đây là giờ mà tôi thích nhất trong ngày, những bài tập của thầy tuy là style Hatha (hình như tôi có nói trước đây là thích Ashtanga) nhưng không hề nhẹ nha. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ…mỗi khi thầy bảo “nhịp thở cuối nào” khi đã giữ thế lâu thì cả lớp mừng rơn nhưng đừng tưởng bở nhé, thầy bắt đầu ngân chữ ‘one’ (trong ‘last one’). Cả lớp chúng tôi đều hãi khi nghe tiếng ngân này vì nó dài như không bao giờ dứt…chân tay run lẩy bẩy…không thể trụ vững nữa thầy ơi…thỉnh thoảng thầy còn bồi thêm ‘keep breathing’ thế là cả lớp cười phá lên. Thầy luôn khiến chúng tôi tập mệt nhưng rất vui và sảng khoái với đủ kiểu happy…’happy smiles’, ‘happy lions’, ‘happy toes’, ‘happy shoulders’, hay thở Bhramaree …

Đoạn ghi lại khoảnh khắc tập mệt mà vui

Mỗi buổi tập sáng như vậy thì có 3 người luân phiên trong khoá chúng tôi hổ trợ lớp. Mỗi bạn đứng một góc để sửa tư thế cho các bạn và… tiếp tế giấy chùi mũi ~.~. Vì trời lạnh rất nhiều người nghẹt mũi, sổ mũi nước mũi chảy ròng ròng. Khi hướng dẫn lớp thỉnh thoảng thầy nhắc ‘ai cần khăn giấy thì đưa tay lên’ thế là hàng tá cánh tay giơ lên cầu cứu ấy ơi! Rất may là mặc dù trời lạnh và với cơ địa sợ lạnh nhưng tôi không hề bị cảm trong thời gian này (có thể là do tôi ăn nhiều mứt gừng ?), không sụt sịt trong khi các bạn khoai tây thì mũi cứ rẹt rẹt, thấy các bạn ấy thật khổ sở khi cố gắng thở bằng mũi (mũi nghẹt thì làm sao mà thở hen, tội nghiệp ghê!).

Thỉnh thoảng trong các buổi tập, trước khi vào tư thế Savasana thầy cho chúng tôi relax bằng yoga cười, nằm hoặc ngồi thoải mái mắt nhắm và thế là cười. Cười đủ kiểu, có những giọng cười trong lớp mà bạn nghe rồi không sao nín cười được, cứ thế…đến khi cười muốn đứt hơi cả lớp đang dịu lại chuẩn bị vào Savasana thì một giọng cười quái đản nào đó lại rú lên thế là cả lớp lại không nhịn được, lại tiếp tục cười. Tôi nhủ ’em lạy cả lớp em sắp đứt hơi rồi đừng cười nữa…’ rồi cũng đến lúc ngay cả cái tên sung nhất cũng muốn ngất thì cả lớp mới từ từ ‘chết’. Mà vui lắm trước khi tập asana thì cởi hết nhưng đến khi vào tư thế Savasana thì lồm cồm ngồi dậy mặc vô lại hết còn lấy khăn shawn trùm kín mít nữa rồi mới nằm chết ngay đơ. Không thể diễn tả cái cảm giác của tôi lúc đó, cảm giác như khi leo núi thì vất vả nhưng đến khi xuống núi thì thật nhẹ nhàng, bình yên. Cuộc sống sao giản dị và thanh thản đến vậy chỉ duy một nỗi đau trong tôi là cứ vào tư thế này là tôi không kềm được, nước mắt lại lăn dài. Nỗi đau đó không vật vã như ngày xưa nhưng nó vẫn còn đây và cứ đến hẹn lại đến trong tư thế Savasana này.

Chúng tôi ngồi lên thiền một chút rồi OM và thầy bảo ‘chào hàng xóm nhé’ thế là chúng tôi mỉm cười namaste chào nhau càng cảm nhận một sự kết nối mà yoga mang lại, thân thiết và đầy tình yêu thương. Chúng tôi xuống lớp chuẩn bị ăn sáng, sau đó ai muốn thì tham dự lễ Fire Puja đến 9h chúng tôi lại lên lớp cho tiết học về Triết lý yoga, Phong cách sống hay Đạo đức với Cô Chetana.

Cô Chetana là người Canada. Cô là vợ của Thầy Vishvketu và cũng là người đồng sáng lập Trường Anand Prakash Yoga Ashram.

Phải nói đây là giờ học đã giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về yoga rằng yoga không chỉ là asana, thở và thiền. Niềm đam mê của cô trong việc chiêm nghiệm kinh điển, triết lý, thực hành tâm linh, văn hoá và âm nhạc truyền thống đã thực sự truyền cảm hứng cho chúng tôi trong việc tìm hiểu những con đường của yoga. Nhưng đây cũng là giờ học mà đối với tôi là khó khăn nhất, tiếng Anh phủ vây tứ phía và tôi luôn phải rượt đuổi theo các bạn. Sự rượt đuổi kéo dài cả tháng này khiến tôi lắm lúc đuối. Phải nói thật là tiếng Anh của tôi không phải quá tệ (hơi một tí thôi ^_^) nhưng vì có nhiều khái niệm về tâm linh quá ngay cả nếu viết bằng tiếng mẹ đẻ chưa chắc đọc một lần đã hiểu huống chi đây lại toàn tiếng anh tiếng u. Trong khi các bạn tôi vừa học vừa ìn-choi thì tôi lại ứ hự.

Lớp học rất sinh động với nhiều đề tài lý thú

Khi xong một chương lý thuyết cô giáo luôn đưa ra đề tài để thảo luận hay tìm hiểu nhằm minh hoạ hay đào sâu, lớp sẽ chia nhóm và làm việc sôi nổi. Phải công nhận là tôi đã học rất nhiều từ các bạn từ cách các bạn đọc và chuẩn bị bài trước, tiếp thu bài giảng, và cách đặt câu hỏi. Thắc mắc là hỏi và hỏi tới nơi tới chốn tới khi nào các bạn í thông suốt mới thôi. Và một điều rất dễ thương là các bạn í rất tự do thoải mái và màu sắc nhưng cũng rất kỷ luật và tôn trọng người khác.

Đề tài – Vào bếp để nhận diện thực phẩm Sattvic

Cả lớp nằm ngồi thoải mái xem phim Yoga Unveiled

Đến 10.45 chúng tôi có lớp kỹ thuật với Thầy Vishvketu và Thầy Johar. Đây là giờ mà chúng tôi rất thích như vừa được học vừa được chơi. Chúng tôi học từng tư thế một. Mới đầu một bạn sẽ lên để thầy hướng dẫn vào tư thế và thầy chỉnh sửa cho bạn ấy. Chúng tôi xem xong sẽ bắt cặp với nhau và thay phiên hướng dẫn tư thế vừa mới xem đó, như vậy là chúng tôi có rất nhiều cơ hội để thực tập việc ‘dạy’. Người tập coi như không biết gì và người dạy phải nói sao cho bạn hiểu để bạn vào tư thế cho đúng.

Thầy hướng dẫn cách sửa/ hổ trợ tư thế cho người tập

Tim và Julia đang thực hành ‘teaching’ – Cô Julia và Thầy Johar quan sát

Lớp kỹ thuật thỉnh thoảng đưa lên sân thượng để…

… mọi người phơi nắng cho đen bớt

Đối với từng tư thế một chúng tôi được học về lợi ích của tư thế đó, những điểm cần lưu ý khi thực hành và những chống chỉ định. Một tí vui là mỗi lần dạy tư thế mới Thầy bắt chúng tôi từng người đọc lớn tên Sanskrit của tư thế đó và cả lớp lập lại, nghe ngân nga và cứ ngượng mồm làm sao í. Học trò này một lần nữa chẳng bao giờ thuộc dù cứ lải nhải suốt. Một kỷ niệm vui nữa là có những buổi trong lúc thầy đang giảng thì một con khỉ cứ lao đầu vào cửa kiếng rầm rầm như thể muốn vào giảng thay Thầy hoặc chim bồ câu thì cứ cù cù trên mái tôn ngỏ ý phản đối gì đấy (phản đối mới làm ầm lên chứ!) thế là cả lớp cười ran còn Thầy bảo ‘hmmm he wants to teach huh…’. Lớp kỹ thuật luôn sinh động và chẳng bao giờ thấy ngán.

Một sáng nọ Cô Julia kêu chúng tôi đem ‘basket’ và ‘towel’ lên sân thượng, chẳng biết để làm gì chẳng lẽ tắm trên đó ^_^? Thì ra là chúng tôi sẽ được học kỹ thuật cleasing, thích đây. Thầy hướng dẫn tuần tự cách pha nước muối loãng rồi cách cầm bình như thế nào, nghiêng đầu ra sao haha khối đứa sặc sụa trong đó không thể nào không có tôi.

Bạn Tom trong giờ thực hành kỹ thuật cleansing kriyas – rất pro nhé

Thích giờ học này lắm vì học thì ít mà chơi thì nhiều ~.~. Nhưng những giờ như thế này lại ít quá có nghĩa là phải học nhiều và chơi ít thôi.

Từ giữa khoá thì chúng tôi có giờ Anatomy học với thầy Johar. Môn học này cũng rất thú vị nhưng tiếng Anh chuyên ngành cũng hành hạ tôi không kém.

Trong giờ Anatomy

Tối Thứ Ba và Thứ Sáu chúng tôi có giờ sinh hoạt gọi là ‘Transformational Experiences’ (phiên phiến là trãi nghiệm sự chuyển biến trong cơ thể, về nhận thức, tâm thức…). Đó có thể là những buổi Kiirtan – hoà vào âm nhạc truyền thống. Chúng tôi xuống hall ở tầng hầm thắp nến lung linh và ca hát say sưa lắc lư theo nhịp trống. Thường Wallah (là người xướng) hát trước những câu mantra cổ về các vị thần trong đạo Hindu như thần Brahma, Vishnu, Shiva, hay về các vị guru v.v…sau đó chúng tôi hát theo… Bài hát đôi khi vỏn vẹn vài từ mà hát ở nhiều cung bậc khác nhau, hát dài đến hơn 10 phút. Tuy Kiirtan mang đậm màu sắc tôn giáo nhưng tham gia Kiirtan không phải là trãi nghiệm mang tính tôn giáo. Chúng tôi – những người đến từ rất nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau không cảm thấy sự khác biệt về tôn giáo nào hết, chỉ cảm thấy âm nhạc đó có sức hút đến kỳ lạ, mê hoặc. Chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ, bình an và kết nối. Kiirtan cũng là Thiền vậy.

Hát về Shiva

Có một bữa khác chúng tôi chia ngồi từng cặp để trãi nghiệm sự kết nối. Tôi và anh bạn Tim ngồi đối diện gối phải chạm nhau, đầu gần vào nhau để nghe người kia nói và phải nói thật nhỏ. Mỗi người có 10 phút để kể lể một hơi về bất cứ chuyện gì (bản thân, gia đình, tình yêu, công việc…) người kia chỉ ngồi im nghe. Tôi cố gắng vểng tai dí đầu sát đầu bạn ấy để nghe cho được xong 10 phút hít một hơi đến phiên tôi nói (nói gì thì quên mất tiu roài) hết 10′ thì cả 2 nhắm mắt thiền một chút xong mở mắt rồi thì chúng tôi nhìn vào mắt phải của nhau, không được chớp mắt nhé. Cứ thế 2 đứa chằm chằm nhìn nhau. Không thể diễn tả cái cảm giác khó chịu lúc đó, cứ nhìn chằm chằm vào mắt nhau thế là tôi không nhịn được cười phá lên. Không ngờ đồng loạt cả lớp cũng cười ré lên như tôi  (mới đầu tẽn tò tưởng có một mình mình mất nết té ra cả lớp đều rứa). Haha bi giờ ngồi nhớ lại chẳng thấy kết nối thứ chi lúc đó tôi chỉ quan sát phân tích màu mắt của Tim thôi.

Hoặc có những buổi tối chúng tôi đơn giản ngồi quây quần bên nhau và chia sẻ những lý do đã đưa mọi người đến với yoga, đến với India và đến khoá học này. Có những bạn trông mạnh mẽ là thế mà đến phiên mình nói lại khóc ngất. Thường là những mối quan hệ bị rạn nứt, sự mất mát hay mâu thuẩn gia đình, sư cô đơn hay sự nhàm chán trong công việc. Tôi ngồi im lặng nghe sự chia sẻ của các bạn. Tôi là người thường che dấu cảm xúc thật của mình trông tôi cũng không đến nỗi yếu đuối nhưng bên trong là cái gì đó cũng dễ vỡ, dễ tổn thương nhưng tôi không dám nói nhiều sợ mình cũng không ghìm được cảm xúc và cũng nấc nấc mất thôi. Tôi chỉ có thể nói điều đáng tiếc khi tôi đã không biết đến yoga và đến India sớm hơn vì rằng yoga thực sự có sức mạnh chữa trị và xoa dịu tinh thần nhiều đến nhường nào.

Related posts

SALAD MÌ TẢO BẸ

Salad Tảo Spirulina

Pancake Kiều mạch với Quít