Rishikesh – Phần 1: Chuẩn bị

[Loạt bài về chuyến đi India lần đầu tiên này tôi đã viết cách đây nhiều năm, giờ chỉ là post lại]

Trở về từ Rishikesh đã hơn 1 tháng rồi nhưng âm thanh OM vẫn vang văng vẳng bên tai, lung linh mê hoặc… Cuộc hành trình của tôi đã như một giấc mơ.

Tôi đã từng ấp ủ một chuyến đi để được học sâu và biết nhiều hơn về yoga. Nhưng đi đâu Thailand? Bali? hay India? Nhiều bạn chia sẻ là nên đi Thailand hoặc Bali cho gần, chỗ học thì thường ở các hòn đảo rất đẹp và họ dạy ashtanga là style mà tôi rất thích trong khi India thì khá xa xôi, nhiều thông tin bất lợi cho phụ nữ travel một mình, và họ dạy chủ yếu là Hatha yoga (theo nhiều bạn Hatha là khá nhẹ nhàng). Tôi đã lăn tăn trước nhiều ý kiến và nhiều thông tin về các khoá đào tạo giáo viên 200 giờ (200-hr Yoga Teacher Training), tự hỏi mình muốn và cần học gì?

Thật ra trong đầu tôi lúc bấy giờ đã nhắm “It’s Yoga” Thailand hoặc Bali. Đó là trường mà họ có mặt ở nhiều quốc gia, nên có thể hình dung được sự bài bản và chất lượng là 2 tiêu chí mà tôi đặt lên hàng đầu. Lại được học và tập trên bãi biển xinh đẹp nữa chứ, ôi biển xanh, cát trắng, nắng vàng…thích thích quá đi thôi. (Của đáng tội nhưng tôi chẳng dám hình dung mình bận bikini tập yoga như các bạn khoai tây trên website quảng cáo đâu nhé, tôi mà bận bikini là khối kẻ ngủ mớ vì hãi chớ chẳng chơi ^_^). Chi phí học của It’s Yoga khá đắt đỏ lại chưa có tiền ăn ở vậy nên tôi chuyển sang tìm hướng đi India và trong tâm linh như có một điều gì đó thôi thúc tôi “hãy đi India”, nhưng đi đâu và trường nào đây?

Thế là tôi lại sục sạo trên mạng, đọc không biết bao nhiêu là bài viết và comments chia sẻ của nhiều người để rồi cuối cùng chọn đi Rishikesh. Ai cũng biết Yoga xuất phát từ Ấn độ và Rishikesh chính là thủ đô Yoga của thế giới. Đó là một thị trấn nhỏ thuộc bang Uttarakhand, miền bắc Ấn, bốn bề là đồi núi nằm ngay cửa ngỏ đi vào dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ, và là nơi có dòng sông Hằng huyền bí linh thiêng chảy qua. Rishikesh đã là trung tâm của các hoạt động tâm linh và tôn giáo từ thời cổ đại. Với bầu không khí thanh bình đậm màu sắc thiêng liêng, thiền định, nơi đây đã truyền cảm hứng cho biết bao dân yoga từ khắp nơi trên thế giới đến để mà tu luyện, để mà trầm tư mặc tưởng với suy nghĩ đầy thánh thiện và tôn kính.

Một góc Rishikesh và dòng sông Hằng linh thiêng

Trường tôi chọn là Anand Prakash Yoga Ashram (các trường dạy yoga ở Ấn độ gọi là Ashram) với thầy Vishvaketu. Tôi đã đọc được một số comments rất tốt về Trường và các Giáo viên ở đây. Thầy Vishvaketu được nhắc đến như là một trong những người thầy giỏi nhất ở Rishikesh. Thầy còn được biết đến nhiều ở Canada nơi mà thầy dành một nửa số năm giảng dạy tại các trung tâm yoga Canada. Trường dạy theo phong cách riêng gọi là Akhand Yoga. Akhand trong tiếng Phạn có nghĩa là “toàn bộ” (whole). Phong cách này là một cách tiếp cận toàn diện để dạy yoga bao gồm không chỉ các tư thế mà còn các phương pháp thở (Pranayamas), tụng kinh (mantra chanting), thiền định (meditations), shatkarmas (kỹ thuật vệ sinh/ thanh lọc cơ thể), đánh thức các Luân Xa v.v…Khoá học còn dẫn dắt học viên tham gia, tìm hiểu và hoà mình vào các lễ hội đậm màu sắc tâm linh, âm nhạc, các buổi nói chuyện của các học giả nổi tiếng, các buổi dã ngoại,v.v… Và những comments khen ngợi về điều kiện ăn ở tại trường. Tất cả đã cho tôi ấn tượng tốt và tôi đã không ngần ngại đăng ký ngay mặc dù học phí là khá đắt so với các trường khác ở Rishikesh. Học phí là trọn gói bao gồm tiền học, ăn, ở… hầu như chúng tôi không tốn thêm tiền gì khác trong suốt thời gian theo khoá học 1 tháng ngoại trừ tiền ăn vặt và chi phí cá nhân. Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về trường và khoá học ở đây

Một góc Trường nhìn từ ngoài cổng chính

Tôi đăng kí online trên trang web của trường trong tháng 10/2013 tức là trước khoá học hơn 3 tháng. Khoá training này sẽ bắt đầu từ 6/2 đến 7/3/2014 kéo dài  trong 1 tháng. Tôi đã nghĩ mỗi lần đi là 1 lần khó thôi thì đã đi thì cố gắng ở lại để học thêm gì đó và đi thăm một vài nơi nên quyết đi là sẽ ở lại thêm sau khoá học khoảng 3 tuần nữa và khi về sẽ ghé Thailand vài ngày. Thế là đã outline chuyến đi rồi nhé giờ thì chuẩn bị thôi.

Sau khi đăng kí học online và được chấp nhận thì phải chuyển tiền giữ chỗ cho khoá học. Phần còn lại trường yêu cầu thanh toán hết trước khoá học 4 tuần. Điều này có nghĩa là bạn phải thanh toán hết trước chuyến đi. Nếu đến ngày đi mà vì lý do gì đó không đi được thì sẽ phải chuyển sang học khoá sau, học phí hầu như không được hoàn lại…cũng khó nhỉ. Sau đó thì trường yêu cầu phải mua một số sách để đọc trước mà 3 cuốn sách này chỉ có thể mua từ Mỹ và Canada!!! Khá rắc rối đây…nhưng thực ra đây là 3 cuốn sách rất hay mà đến bi giờ tôi vẫn còn đang nghiền ngẫm, có thể xem như là sách giáo khoa vậy, đó là 3 cuốn

  1. The Wisdom of Yoga – Cope, Stephen (2006).  New York: Bantam Books.
  2. The Wisdom of Patanjali’s Yoga Sutras – Ravindra, Ravi (2009).  Sandpoint:  Morning Light Press
  3. Yoga Body: Anatomy, Kinesiology and Asana – Lasater, Judith Hanson (2009).

Kế đến là việc xin visa. Vì tôi nghe nói xin visa đi Ấn khá dễ không có gì phải lo lắng nên chỉ cần nộp đơn khoảng 5 ngày làm việc là có. Vào trang web của Tổng Lãnh sự quán Ấn độ tại TP. Hồ Chí Minh để xem thủ tục, điền đơn online, in ra và đem đến lãnh sự nộp, đóng lệ phí và chờ ngày hẹn đến lấy là xong. Nhân bài viết này tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến Anh làm việc ở bộ phận cấp visa. Theo qui định visa thường được cấp sau 5 ngày nộp đơn (nhớ là như vậy???) và thời gian lưu trú được cấp thông thường là 3 tháng tính  từ ngày cấp visa chứ không phải từ ngày bạn đặt chân đến Ấn. Vì khoảng thời gian đó gần Tết nên tôi tranh thủ xin sớm gần 1 tháng trước khi đi cộng với ở Ấn gần 2 tháng vậy là thời gian lưu trú của tôi sẽ rất sát sao. Thấy vậy Anh ấy hỏi là tôi có cần Passport trong thời gian này không nếu không thì anh ấy sẽ cấp visa cho tôi sát ngày nghỉ Tết luôn, như vậy tôi sẽ có thời gian lưu trú dài hơn sẽ an toàn hơn. Dĩ nhiên là tôi đã hoạch định chuyến đi cẩn thận để không bị quá hạn visa nhưng lời đề nghị của Anh bạn ấy khiến tôi thật sự cảm ơn, một người tốt.

Tiếp theo là việc tìm vé máy bay giá rẻ. Thời điểm đó không có khuyến mãi cũng như không có chuyến bay thẳng từ TP. HCM đi New Delhi, chỉ có các chuyến transit ở Bangkok hoặc Singapore hoặc Kuala Lumpur. Lần này tôi tự search vé trên mạng mà không qua đại lý vì có nhiều thời gian và muốn thử khả năng search vé của mình. Trường sẽ thu xếp đón chúng tôi trong khoảng thời gian PM của ngày 5/2 vậy thì tiêu chí book vé của tôi ưu tiên sẽ là thời gian đến sân bay quốc tế Indira Gandhi (New Delhi) trong khoảng thời gian trường đón từ 1PM đến 12PM; rồi đến thời gian chờ transit sao cho ít nhất (nhưng phải an toàn) và cuối cùng là rẻ nhất ^_^. Tôi đã vào trang web makemytrip.com để tìm chuyến bay phù hợp, rồi cộng trừ nhân chia rồi so sánh tới lui cuối cùng chọn Thai Airways đến Bangkok (về cũng vậy) và Jet Airways đi New Delhi (về cũng rứa) và không có chọn lựa nào tốt hơn theo các tiêu chí ở trên là phải qua đêm ở sân bay Bangkok, ừ thì ngủ ở sân bay…khối người ngủ ở đó…chuyện nhỏ. Vậy là vé máy bay xong nhé.

Hành lý chuẩn bị không có gì nhiều chủ yếu là quần áo ấm (vì trường nói tháng 2 -3 thời tiết se lạnh), quần áo tập, bình giữ nhiệt, đồ dùng cá nhân, thảm yoga và… túi ngủ!!! Còn khoản mang theo gì để yum yum thì phải suy nghĩ lung lắm. Mọi người nói bên Ấn cái chi cũng cari hết??? À problem đây vì bé lớn tôi cũng ít ăn cà ri. Đem theo mì gói thì… cũng không thích mì gói. Khó nhỉ… thôi thì người ta ăn sao mình ăn vậy, thích thì ăn nhiều không thích thì ăn ít. Tôi khá dễ ăn cái gì ăn cũng được miễn tôi cảm nhận nó vệ sinh là được và dân yoga… ăn không khí là chính mờ??? ^_^. Vậy chứ cũng đem theo 1 bịch chocolate; ít tảo ăn liền và ít mứt gừng phòng bị trớ nước!!!

Mọi thứ cơ bản đã song chờ ngày lên đường thôi…mùng 5 Tết nhé.

Related posts

SALAD MÌ TẢO BẸ

Salad Tảo Spirulina

Pancake Kiều mạch với Quít