Manali – P3: Thiên đường là đây – Ngày ở

Tôi đã có có đêm đầu tiên ngon giấc ở Manali mặc dù trời khá lạnh. Thức dậy sớm với tâm trạng háo hức, lắng nghe xung quanh – thật tĩnh lặng chỉ có tiếng suối chảy róc rách. Chuẩn bị xong tôi bước ra ngoài, nhà nghỉ im ắng chỉ có chú chó nằm trước phòng tôi ngóc đầu lên và vẩy đuôi khi tôi mở cửa phòng. Gần 7h sáng, tôi vung tay đá chân mấy cái, mấy bữa nay không có yo-ga yo-giếc gì cũng thấy nhớ nhưng hẹn sau nhé bi giờ em phải đi đây, không thể chờ thêm …Trời xanh cao trong veo – sẽ là một ngày đẹp lắm đây.

Bước xuống khỏi bậc thang bên kia là suối, nước chảy len qua đá tiếng róc rách là từ đây, vẫn còn những bệt tuyết chưa tan…

Thật ra đây không phải là suối mà là sông Manalsu, một nhánh của sông Beas chảy qua Old Manali. Sông Beas bắt nguồn từ Rohtang Pass chảy len lỏi qua Manali, Kullu và khi từ Mandi con sông này đã đồng hành cùng xe chúng tôi. Một con sông mà nghe nói đã chặn đứng đoàn quân hùng mạnh bách chiến bách thắng của Alexandros Đại đế khi ông thống lĩnh cuộc hành quân chinh phạt Ấn độ vào năm 326 trước Công nguyên. Chắc hẳn vẻ đẹp mờ ảo của dòng sông (không biết thời đó vùng này đã có cây cần sa chưa nhỉ? ^_^) đã làm mê hoặc các chiến binh tuy dũng mãnh nhưng đã kiệt sức bởi nhiều năm chinh chiến, nên đến đây họ đã nổi loạn không muốn chiến đấu nữa, không muốn tiến sâu vào lãnh thổ Ấn độ mà họ chắc rằng đó là chảo lửa đang chờ luộc chín họ. Vì vây có thể xem dòng sông Beas là điểm cực đông trong hành trình mở mang bờ cõi sang hướng đông của Alexandros Đại đế.

Và tôi đang đứng đây kế bên chứng nhân lịch sử hàng nghìn năm đó cũng muốn nổi loạn, tôi hướng lên trời cao và hỏi lớn ‘Xin chào, các Vị đang ở đâu?’, là tôi hỏi các vị thần tiên đang ở đâu vì chắc chắn họ đang ở đây. Nhưng đáp lại chỉ có tiếng róc rách của nước, xào xạc của cây và ríu rít của chim trong cái buối sớm trong veo ấy, tôi lâng lâng niềm vui sướng khôn tả, chân tung tẩy theo con đường nhỏ

và người phụ nữ này cứ nhìn khi tôi đang mải mê chụp hình và tỏ ý vui khi tôi chụp hình cho bà, bà ra dấu mời tôi lên nhà ở trên cao kia nhưng tôi lắc đầu rằng tôi phải đi

Một vẻ đẹp chơn chất của Manali

Tôi thong thả đi về hướng cây cầu sắt là ranh giới giữa Old Manali và Manali

cây cầu sắt bắt qua sông Manalsu

từ Old Manali hướng về thị trấn đường xuống dốc thoai thoải dễ đi, một bên là công viên một bên là một dãy các khách sạn kiểu dáng rất đẹp

những chú khỉ ngồi vắt vẻo đón tia nắng đầu tiên ấm áp

khách sạn Johnson’s

và hoa đang nở…

Tất cả vẫn còn say ngủ, ôi Manali thật biếng nhác, chẳng có hàng quán nào hết, bụng tôi bắt đầu cồn cào, tôi đi về hướng chợ trung tâm gần bến xe bus. Đó là con đường chính của thị trấn, đường lát gạch và chỉ dành cho người đi bộ.

đường ‘The Mall Manali’ – 8h sáng hàng họ vẫn đóng cửa im ỉm

tới lui cũng tìm được một quán nhỏ mở cửa sớm!!!

lót dạ với Momo và cafe sữa nóng – đơn giản vậy thôi

Tôi gọi Momo và cafe sữa, cậu bé chỉ vào menu rằng cafe hoặc sữa, không có cafe sữa. Tôi gọi cafe và sữa nóng, cậu đem ra 2 tách và tôi đổ chung vào với nhau, cậu bé nhìn tròn mắt. Lạ thật món này phổ thông mà, seo hổng bít ta? Ngày hôm sau tôi cũng gọi y chang và lần này cậu biết ý đem cafe sữa ra như tôi mong muốn. Phải nói thật là một đĩa Momo nóng hổi chấm nước sốt cay cay xong nhâm nhi tách cafe sữa nóng trong cái lạnh sớm mai thì chẳng mong muốn gì hơn mặc dù cafe sữa ở đây cũng như ở Rishikesh không thể nào dỡ hơn ^_^.

Hồi nãy lúc đi xuống có thấy tấm bảng chỉ hướng đền Hidimba nhưng phải ra chợ kiếm đồ ăn sáng trước, bi giờ phải đi ngược lại có nghĩa là leo dốc, phò… leo cao rồi cao nữa … cao nữa… tới

lối vào đền

đền Hidimba Devi

Đây là đền thờ nữ thần Hidimbi, em gái của Hidimb – một nhân vật trong sử thi Ấn độ Mahābhārata. Đền được xây dựng vào năm 1553 trên một tảng đá lớn, bao quanh bởi một khu rừng tuyết tùng xanh um. Đền có kiến trúc bằng gỗ chạm trổ tuyệt đẹp gồm ba mái vuông bằng gỗ, trên cùng là chóp hình nón bằng đồng

không quên kéo chuông cầu phúc

vách đền bằng gỗ chạm tinh xảo

rồi tự dưng thích ôm thỏ… tôi ghì chặt sợ nó chạy mất công đền, ôm vậy là 30 – 50 Rs nhé, ôi lông thỏ mềm mượt như nhung.

và con Yak (bò Tây tạng) này đẹp quá phải ngồi lên chộp hình thôi, cũng từ 30 – 50 Rs. ^_^

mua khăn shawl cũng là 1 lựa chọn của khách tham quan

và cậu bé câm điếc này bán những tổ chim bện bằng đay. Tôi mua giúp em 2 tổ nâng niu đem về Rishikesh để đóng gói chung với sách gửi về nhà bằng đường bưu điện, chắc chèn chặt quá nên chim – tổ gì về đến nhà cũng bung tá lả …

gần đó có vài ngôi đền nhỏ như thế này

đền thờ ai? – so-ri không bít

có nhà hàng Ý gần đó nổi tiếng với Tiramisu, nhưng thật tiếc quán vẫn còn ngủ đông

thêm một ngôi đền nữa – cửa đóng khoen cài không vào được!

và trên đường tôi gặp hai người phụ nữ này mới biết hôm đó là lễ Holi Festival – Lễ hội màu sắc

Holi là lễ hội lớn của người Ấn, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông ảm đạm và hân hoan chào đón mùa xuân bằng muôn màu sắc. Từng núi bột màu được bày bán khắp nơi trên đường phố. Mua màu sắc và vung vảy khắp nơi là bạn đang mang niềm vui vào ngôi nhà thân yêu, gia đình và bản thân. Trên đường gặp hai người nước ngoài này mặt mũi tóc tai quần áo đầy màu trông họ rất hớn hở

và những bạn trẻ ở quán cafe Johnson đã rất hồ hởi khi tôi ngỏ ý muốn chụp hình họ

xong họ cũng nhanh tay trét màu lên mặt tôi và nói ‘Happy Holi’ – Chúc bạn nhiều may mắn, thật dễ thương.

Ngày hôm đó đi đâu cũng màu là màu, từ nhà cửa, người ngợm đến gia súc, chó mèo…và khỉ – một vài con cũng dính súng phun nước màu trông rất ngộ ngĩnh.

Đến trưa sau khi ăn ở một nhà hàng tàu tôi thuê xe Tuk tuk đi đến làng cổ Vashist cách Manali khoảng 4 cây. Bác tài xế tay lái lụa chạy vèo vèo trên triền đèo cheo leo làm tôi cứ nhấp nhổm may mà đoạn đường ngắn thoáng chốc đã đến. Đây là ngôi đền đá Vashist Mandir

những người phụ nữ trong làng quây quần trước đền ca hát vào ngày lễ Holi và tôi ngồi xuống nghe họ mà chẳng hiểu gì nhưng cũng thấy vui vui và thân thiện.

kế bên đền là khu tắm nước suối nóng nổi tiếng theo phong cách Thổ nhĩ kỳ… nhưng tôi không dám thử vì mấy thứ lỉnh kỉnh trên mình…sơ ý lần nữa là tiu lun.

Đi loanh quanh mấy khu nhà cũ đan xen như mắc cửi tôi quyết định quay về vì không biết nơi nào nữa để đi tiếp. Ghé vài cửa hàng bán đồ lưu niệm tôi mua được một túi đeo bằng da xong cuốc bộ về lại Old Manali qua cầu sắt rẽ trái (rẽ phải là về hướng nhà nghỉ) để ghé thăm đền Manu, tức là lại leo dốc, cao ơi là cao…thấy tấm bảng này biết là gần tới

Đền Manu

Đền Manu thờ nhà hiền triết Manu và tên Manali bắt nguồn từ cái tên Manu này. Trong truyền thuyết của đạo Hindu có một câu chuyện về trận đại hồng thuỷ và duy nhất một người được thần Vishnu cứu giúp vượt khỏi cơn hồng thuỷ trên lưng con cá khổng lồ chính là Manu. Vùng đất nơi không bị ngập mà thần Vishnu dưới hoá thân của con cá khổng lồ Matsya đã đưa Manu đến nằm ở chân dãy Hymalaya. Dù rằng chưa có gì xác nhận cụ thể vùng đất ấy chính là Manali, nhưng cái tên Manali nghĩa là nơi trú ngụ của Manu sau trận đại hồng thuỷ ấy.

Manu là nhân vật quan trọng vì hai lẽ, một ông là người đã tái tạo ra loài người, thứ hai ông là tác giả của bộ luật Manu, bộ luật cổ xưa và quan trọng nhất của Ấn giáo, quy định hệ thống các mối quan hệ trong xã hội và vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay, phản ánh về nguồn gốc của sự quá khác biệt trong đời sống Ấn độ.

Tượng Manu thờ trong đền – Nguồn Internet

Khu vực này có nhiều ngôi nhà gỗ cũ kỹ, xiêu vẹo nhưng đối với tôi nó thật đẹp, một vẻ đẹp cổ xưa – thường người già mới hay hoài cổ … ơ … hay là … ta đã tra?

Viếng xong đền là trời đã xế chiều, đôi chân rệu rã sau một ngày trèo đèo leo dốc, ráng lê lết tới Club house ăn tối xong trực chỉ về nhà nghỉ, một thoáng ưu tư Manali ơi mai là chia tay rồi…

Related posts

SALAD MÌ TẢO BẸ

Salad Tảo Spirulina

Pancake Kiều mạch với Quít